TRANG SINH HOẠT
chuyên phóng sự về các sinh hoạt Cộng Đồng của người Việt Quốc Gia ở Hải Ngoại nói chung và tại Nam Úc nói riêng


Thảm Họa Môi Trường Từ
Việt Nam


Tác giả: TNS Tùng Ngô
Thể loại: Sinh Hoạt

 ***Lời Giới Thiệu: Bài phát biểu trước Quốc Hội tiểu bang Nam Úc của Thượng nghị sĩ Tùng Ngô. Đảng Lao Động; 3 giờ 27 phút chiều ngày 22 tháng 6 năm 2016.

https://hansardpublic.parliament.sa.gov.au/Pages/DateDisplay.aspx#/DateDisplay/HANSARD-10-18556/HANSARD-10-18539

     Tôi đứng đây để nói về một thảm họa môi trường đang diễn ra tại Việt Nam. Sự kiện cá biển chết hàng loạt dọc theo đường bờ biển kéo dài từ miền Bắc vào miền Trung đã tạo ra mối quan ngại nghiêm trọng cho biết bao người Việt trong nước và cộng đồng người Việt tự do hải ngoại. Tôi được biết rằng kể từ tháng Tư năm nay, hàng tấn cá biển chết đã nổi trôi dọctheo hàng trăm kí lô mét đường biển.
       Sự kiện này là một bi kịch, bởi người dân Việt Nam dựa vào nghề đánh cá và du lịch làm phương kế sinh nhai cho mình và gia đình. Khoảng 13 triệu người Việt Nam hiện tại đang sống dưới tiêu chuẩn nghèo đói, tức là vào khoảng 2 đô la một ngày. Thảm họa này gây rủi rocho cuộc sống của ngư dân, vì họ không thể ra khơi để đánh bắt cá mà kiếm sống qua ngày.
       Hơn thế nữa, những người dân trong vùng ảnh hưởng còn bị bỏ mặc lâm vào cảnh đói khát, hoặc là chịu cảnh bệnh tật do ăn phải cá đã nhiễm độc. Đã có những cáo buộc về một nhà máy thép hoạt động tại địa phương, sở hữu bởi tập đoàn thép Formosa Hà Tĩnh. Các cáo buộc cho rằng nhà máy thép này phải chịu trách nhiệm về việc rò rỉ hóa chất độc hại khi họ xây dựng hệ thống ống xả thải ra biển bất hợp pháp, và đây chính là nguyên nhân gây ra việc cá biển chết hàng loạt. Tôi được biết rằng nhà cầm quyền Việt Nam đã hứa sẽ điều tra khi vụ việc được đưa ra ánh sáng nhiều tháng trước. Tuy nhiên cho đến nay, người dân vẫn chưa được biết kết quả.
      Tôi được biết rằng vào tháng trước, hàng ngàn người đã xuống đường biểu tình tại Việt Nam để đòi nhà cầm quyền đưa ra câu trả lời, và kiến nghị nhà nước phải có chính sách bảo vệ môi trường tốt hơn. Đáng tiếc là những đòi hỏi chính đáng này đã bị phớt lờ, và trong một số trường hợp, những người biểu tình đã bị cảnh sát bắt và giam giữ. Mối quan ngại của người dân địa phương là thậm chí cho đến thời điểm hiện tại, họ vẫn chưa được biết một cách chính thức đâu là nguyên nhân gây ra thảm họa này. Những lời đồn đại đang lan rộng trong cộng đồng nói về tham nhũng giữa các quan chức nhà nước và tập đoàn thép Formosa, và người dân ngờ vực rằng đây chính là lý do mà nhà cầm quyền chọn cách giữ im lặng.
Bất kỳ một cá nhân hay tập đoàn nào, nếu bị phát hiện hoạt động trái với pháp luật, đều phải
chịu trách nhiệm trước nhà cầm quyền Việt Nam. Nếu như sự kiện ô nhiễm môi trường là do
nhà máy thép Formosa gây ra thì các hoạt động của nhà máy này buộc phải dừng ngay lập tức cho đến khi họ tuân thủ thật sự các luật lệ về môi trường.
    Trên khắp thế giới, cộng đồng người Việt tự do hải ngoại đã tổ chức nhiều buổi tụ họp để hỗ trợ những đồng bào trong nước. Tôi có lời khen ngợi đến cộng đồng người Việt tư do ở Úc đã tỗ chức cuộc vận động tăng nhận thức cho mọi người về thảm họa môi trường tại Việt Nam. Tôi muốn chúc mừng những thành viên của cộng đồng người Việt tại Nam Úc vì tiếng nói của họ vang vọng mạnh mẽ trong cuộc biểu tình gần đây diễn ra ngay trước thềm của quốc hội này. Chúng ta may mắn được sống ở nước Úc, trong một xã hội minh bạch và giàu tình thương. Khi có một thảm họa nào xảy đến ở Úc làm ảnh hưởng đến cộng đồng, ví dụ như nạn hạn hán, cháy rừng, hay lũ lụt, thì chính phủ Úc lập tức can thiệp và cứu viện khẩn cấp, cùng gánh vác với người dân qua giai đoạn khó khăn. Sự minh bạch trong chính quyền là tối quan trọng khi đối diện với bất kỳ thảm họa nào. Tôi xin đươc trích lời văn của bà Suzy Kassem (văn hào và triết gia nổi tiếng người Mỹ), trong tác phẩm “Rise Up and Salute the Sun- Đứng dậy và chào mặt trời” để minh họa cho điều tôi vừa nói.
- “Một người lãnh đạo tài ba phải phục vụ cho lơị ích tối ưu của dân tộc mình trước nhất, chứ không phải cho lợi ích của những tập đoàn đa quốc gia. Mạng sống của con người không bao giờ được đánh đổi bằng lợi nhuận tiền bạc.”
       Trước nỗi thống khổ này của người dân Việt Nam, tôi kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam hãy biến lời hứa của mình thành hành động, đừng chậm trễ nữa, hãy công bố nguyên nhân của cơn khủng hoảng môi trường biển ngay. Với cuộc sống người dân điêu đứng và càng nhiều gia đình lâm vào cảnh túng quẫn, người dân Việt Nam đang tuyệt vọng chờ đợi sự trợ giúp kinh tế. Tôi kêu gọi chính quyền Việt Nam hãy minh bạch thông tin với người dân về cuộc khủng hoảng này, và hỗ trợ người dân đầy đủ những gì cần thiết cho tình trạng khẩn cấp của họ.

       
Tôi được biết là trong chuyến viếng thăm chính thức gần đây của Tổng Thống Obama đến Việt Nam, chính phủ Hoa Kỳ đã đề nghị giúp đỡ điều tra độc lập về nghi vấn rò rỉ hoá chất. Đáng tiếc thay, lời đề nghị này đã bị từ chối bởi chính quyền Việt Nam. Dù cho chính quyền Việt Nam không có khả năng tiến hành việc điều tra độc lập, họ không thể để mặc người dân tiếp tục chịu đựng vì lý do giữ thể diện cho nhà nước. Tôi khuyến nghị nhà cầm quyền Việt Nam dựa vào cộng đồng quốc tế để tiếp nhận sự can thiệp và trợ giúp hết sức cần thiết trong lúc này